Điều kiện để thành lập doanh nghiệp năm 2022
Mục lục
Nếu muốn thành lập doanh nghiệp nào đó vấn đề trước tiên bạn cần tìm hiểu điều kiện để thành lập doanh nghiệp. Bởi nắm rõ những điều kiện thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.
1. Điều kiện để thành lập doanh nghiệp
➡️ Điều kiện về đặt tên doanh nghiệp: Người thành lập doanh nghiệp không được đặt tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.
➡️ Điều kiện về trụ sở doanh nghiệp: Doanh nghiệp cung cấp địa chỉ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Doanh nghiệp ghi rõ số nhà, ngõ ngách, đường phố, phường, xã, quận huyện, thành phố.
Lưu ý khi chọn nơi đặt trụ sở chính cho doanh nghiệp là tòa nhà cao tầng. Theo quy định, khu nhà cao tầng phải có chức năng kinh doanh thương mại hoặc là tòa nhà văn phòng thì mới đủ điều kiện để làm trụ sở công ty.
➡️ Điều kiện về vốn điều lệ: Phụ thuộc vào khả năng tài chính và mức vốn huy động ban đầu. Quý khách hàng cung cấp cho chúng tôi mức vốn điều lệ dự kiến góp.
Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định, Quý khách hàng phải đáp ứng được mức vốn tối thiểu khi tiến hành đăng ký.
➡️ Điều kiện về ngành nghề kinh doanh: Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 78/2018/QĐ-TTg ngày 06/07/2018. Chú ý đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trước khi thực hiện thủ tục thành lập, cần chuẩn bị các hồ sơ cần thiết.
2. Các thủ tục cần làm khi thành lập doanh nghiệp
Trình tự thủ tục thành lập công ty được quy định tại Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, quy trình tiến hành được cụ thể như sau:
Chuẩn bị hồ sơ.
Tùy vào loại hình công ty muốn đăng ký, người thành lập công ty cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký thành lập công ty. Sau đây là các thông tin cần chuẩn bị của doanh nghiệp trong hồ sơ:
- Xác định loại hình doanh nghiệp trước khi thành lập doanh nghiệp. Theo Luật Doanh nghiệp 2020, có 04 loại hình công ty chính. Trong đó, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần và công ty hợp danh;
- Đặt tên doanh nghiệp, công ty và địa chỉ trụ sở giao dịch. Tuy nhiên, cần lưu ý, tên công ty của doanh nghiệp cần tuân thủ theo Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020. Thông tin trụ sở phải được xác định rõ ràng, phù hợp với quy định tại Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020;
- Đăng ký vốn điều lệ. Vốn điều lệ là số tiền mà chủ sở hữu, thành viên, cổ đông góp vào khi thành lập công ty, hoặc cam kết góp vào theo thời gian quy định rõ trong Điều lệ. Vốn điều lệ được xem là cơ sở để xác định quyền lợi và nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông góp vốn;
- Quyết định người đại diện pháp luật công ty. Giám đốc hoặc tổng giám đốc, là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp mới nhất;
- Lựa chọn ngành nghề kinh doanh. Về nguyên tắc, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm, quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020.
Nộp hồ sơ
Các phương thức tiếp nhận hồ sơ bao gồm nộp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, qua dịch vụ bưu chính, mạng thông tin điện tử. Tuy có nhiều loại hình công ty, doanh nghiệp khác nhau, về cơ bản các tài liệu trong hồ sơ là giống nhau, đó là:
- Dự thảo điều lệ công ty. Bản dự thảo này sẽ tùy theo sự thỏa thuận của các thành viên trong công ty;
- Danh sách cổ đông, thành viên sáng lập. Đối với việc thành lập công ty hợp danh và trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp sẽ nộp 1 bản danh sách thành viên. Đối với công ty cổ phần sẽ là bản danh sách cổ đông;
- Giấy tờ chứng thực của thành viên, người đại diện theo pháp luật, bao gồm CMND, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu. Loại giấy tờ này phải còn hiệu lực theo pháp luật;
- Văn bản xác nhận vốn pháp định. Ngoài ra, còn có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề và CMND đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề.
Nhận kết quả
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp đăng ký doanh nghiệp. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo đến người thành lập doanh nghiệp những nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản. Trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.