Điều kiện để thành lập công ty cổ phần
Mục lục
Công ty cổ phần là lựa chọn của rất nhiều chủ đầu tư khi bắt đầu lựa chọn hình thức doanh nghiệp. Vậy điều kiện để thành lập công ty cổ phần là gì? Hồ sơ ra sao? Thủ tục như thế nào? Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ cập nhật đến các bạn những vấn đề pháp lý có liên quan.
1. Công ty cổ phần là gì?
Theo định nghĩa tại Luật Doanh nghiệp 2020 thì Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp trong đó có sự góp vốn của ít nhất 3 cổ đông và không khống chế số lượng tối đa. Vốn điều lệ của công ty sẽ được chia làm nhiều phần có giá trị bằng nhau. Các cá nhân hoặc tổ chức khi góp vốn vào công ty sẽ đăng ký mua cổ phần và được gọi là cổ đông. Cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
Công ty cổ phần có những đặc điểm sau:
- Là loại hình doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân;
- Số cổ đông: ít nhất là 3 và không khống chế số lượng tối đa;
- Cổ đông sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số vốn mình đã góp;
- Được quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn;
- Cổ đông của công ty cổ phần sẽ có quyền tự do chuyển nhượng số cổ phần của mình cho người khác, trừ những trường hợp đã quy định tại Luật doanh nghiệp.
2. Điều kiện để thành lập công ty cổ phần là gì?
Điều kiện thành lập công ty cổ phần gồm:
Điều kiện về chủ thể:
- Phải có tối thiểu 3 cổ đông sáng lập;
- Tên công ty không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước trong toàn quốc.
Điều kiện về ngành nghề kinh doanh:
Khi khách hàng lựa chọn ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải đảm bảo tại thời điểm thành lập doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Điều kiện vốn điều lệ và vốn pháp định:
- Vốn điều lệ phải được cam kết góp trong thời hạn nhất định và được ghi rõ trong điều lệ công ty;
- Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu áp dụng đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
3. Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty cổ phần
Thành phần hồ sơ, bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần;
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Số lượng hồ sơ: 1 bộ.
Những điều kiện để việc thành lập công ty cổ phần thành công:
– Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
- Tên của doanh nghiệp không bị trùng hoặc gây nhầm lẫn;
- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
– Nếu hồ sơ đăng ký online thì cần có đầy đủ các giấy tờ và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định như hồ sơ bằng bản giấy và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ bằng bản giấy. Người có thẩm quyền ký văn bản có thể sử dụng chữ ký số để ký trực tiếp trên văn bản điện tử hoặc ký trực tiếp trên văn bản giấy và quét (scan) văn bản giấy theo các định dạng quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.
4. Nhận kết quả
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Doanh nghiệp phải nộp phí, lệ phí đúng quy định của pháp luật.