Điểm mới về Hộ kinh doanh cá thể năm 2021
Mục lục
Như chúng ta đã biết, Hộ kinh doanh cá thể không phải là một loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH hay Công ty Cổ phần. Vì vậy, rất ít các quy định về Hộ kinh doanh cá thể trong Luật doanh nghiệp. Trước đây những quy phạm pháp lý về hộ kinh doanh cá thể được quy định trong Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015. Hiện nay đã có Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 thay thế cho Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Chúng ta cũng tìm hiểu những quy định về Hộ kinh doanh cá thể năm 2021 có gì khác biệt so với những quy định cũ.
1. Hộ kinh doanh cá thể là gì?
Trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định khái niệm Hộ kinh doanh là gì. Tuy nhiên tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có nêu rõ:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”
Vì vậy có thể hiểu đơn giản Hộ kinh doanh là loại hình kinh doanh do cá nhân, hộ gia đình thành lập tham gia vào thị trường kinh doanh theo những quy định riêng của pháp luật.
Hộ kinh doanh có quy trình đăng ký và thành lập riêng theo quy định tại Nghị định 01/2021.
2. Những điểm khác nhau về Quy định Hộ kinh doanh cá thể giữa Nghị định 78/2015/NĐ-CP và Nghị định 01/2021/NĐ-CP
2.1. Chủ thể thành lập, quản lý Hộ kinh doanh cá thể
- Nhóm cá nhân không còn là chủ thể được phép thành lập Hộ kinh doanh cá thể. Tại Khoản 1 Điều 79 Nghị Định 01/2021 chỉ còn quy định hai chủ thể được phép đăng ký thành lập Hộ kinh doanh đó là cá nhân và thành viên hộ gia đình mà thôi;
- Quy định mới về chủ thể là thành viên hộ gia đình: Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên hộ gia đình làm chủ hộ kinh doanh và trong hồ sơ đăng ký thành lập Hộ kinh doanh phải có bản sao Biên bản họp thành viên Hộ gia đình. Điều này không được quy định cụ thể trong Nghị định 78/2015;
- Tại Khoản 1 Điều 80 Nghị Định 01/2021 quy định rõ ràng hơn về những trường hợp bị cấm không được đăng ký thành lập Hộ kinh doanh;
- Hộ kinh doanh được phép thuê người quản lý theo quy định của luật mới. Trong quy định của Nghị định 78/2015 chúng ta không thể tìm thấy quy định nào của pháp luật quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, từ năm 2021 Hộ kinh doanh đã được phép thuê người quản lý. Cũng cần phải lưu ý rằng việc thuê người quản lý không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của các cá nhân tham gia thành lập Hộ kinh doanh. Đây chỉ là quy định của pháp luật giúp Hộ kinh doanh trở thành một hình thức kinh doanh chuyên nghiệp hơn mà thôi.
2.2. Số lượng lao động không bị giới hạn như trước
Theo quy định tại Nghị định 78/2015 thì trường hợp Hộ kinh doanh có sử dụng trên 10 lao động phải thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định 01/2021 thì lại bỏ quy định về số lượng lao động.
Theo nguyên tắc công dân có thể làm tất cả những việc mà pháp luật không cấm thì chúng ta có thể ngầm hiểu số lượng lao động của Hộ kinh doanh không bị giới hạn như trước nữa.
2.3. Quy định mới về địa điểm kinh doanh
Theo khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm.
Thêm vào đó, chỉ cho phép kinh doanh ngoài địa điểm đăng ký với hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động theo Điều 72 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Hiện nay, tại khoản 2 Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP chúng ta có thể thấy pháp luật đã tạo điều kiện để hộ kinh doanh có thể chọn nhiều địa điểm kinh doanh:
“Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.”
2.4. Thời gian tạm dừng kinh doanh
Tương tự như quy định về số lượng lao động trong Hộ kinh doanh, Nghị định 01/2021 bỏ quy định về giới hạn thời gian tạm dừng kinh doanh không quá 1 tháng cụ thể tại khoản 1 Điều 91 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
“Trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế trực tiếp quản lý”.
Vì vậy, Hộ kinh doanh có thể tạm ngừng kinh doanh vô thời hạn từ năm 2021.
Với những tóm tắt trên, chúng tôi hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn những quy định mới về Hộ kinh doanh cá thể từ năm 2021.