Đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu?
Mục lục
Thành lập công ty là một trong những thủ tục tương đối phức tạp, kéo theo nhiều vấn đề pháp lý khác. Do đó, nếu chưa thực sự hiểu hết về pháp luật, các tổ chức, cá nhân có thể nhầm lẫn việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp, giấy tờ liên quan và đặc biệt là địa điểm nộp hồ sơ. Vậy hiện nay, pháp luật quy định đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu?
Có mấy hình thức đăng ký thành lập doanh nghiệp?
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, tất cả các tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, trừ một số trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này. Ngoài ra, còn có các đối tượng khác không được thành lập doanh nghiệp như người mất năng lực hành vi dân sự, người đang phải chịu phạt tù,… Theo đó, tại Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, các hình thức đăng ký thành lập doanh nghiệp bao gồm:
- Nộp trực tiếp tại Cơ quan Đăng ký kinh doanh.
- Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính.
- Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp qua hình thức trực tuyến.
Đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu?
Theo Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, có 03 hình thức đăng ký thành lập doanh nghiệp. Từng địa điểm và các cách cụ thể để nộp hồ sơ đăng ký như sau:
Nộp trực tiếp
Theo khoản 1 Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ – CP quy định về việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với hình thức nộp trực tiếp như sau “Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.” Như vậy, các cá nhân, tổ chức có thể đến các nơi sau đây để thực hiện thủ tục thành lập công ty:
- Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư với việc tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ nhận hồ sơ khi người có nhu cầu thành lập công ty nộp tại Bộ phận một cửa.
- Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Nộp trực tuyến
Để đăng ký kinh doanh online, người có nhu cầu đăng ký thành lập doanh nghiệp trước tiên phải sử dụng giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ dưới định dạng “.doc”, “.docx” hoặc “.pdf”. Sau đó tiến hành nộp tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp. Sau khi nộp xong hồ sơ, người nộp sẽ nhận được giấy biên nhận qua email đăng ký.
Đến khi có kết quả, người đăng ký sẽ phải đến trực tiếp Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận bởi hiện nay pháp luật chưa có quy định về việc nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh online. Trong trường hợp uỷ quyền, thì người được uỷ quyền phải mang theo Giấy uỷ quyền và các loại giấy tờ xác thực cá nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
Nộp qua dịch vụ bưu chính
Tương tự với hình thức nộp trực tiếp, người đăng ký sử dụng dịch vụ bưu chính sẽ gửi hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Tuy nhiên, việc này sẽ thông qua hình thức trung gian và phải nộp trước 25 ngày kể từ ngày nhận được email chấp thuận hồ sơ của Cơ quan đăng ký kinh doanh. Điều này nhằm đáp ứng việc giảm thiểu thời gian đi lại, đẩy mạnh cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ – CP 2019, Kế hoạch số 1122/KH – SKHĐT.
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh?
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 33 Nghị định 01/2021 NĐ – CP. Theo đó, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp và cập nhật thông tin thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Đối với trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung.
Như vậy, dù đăng ký thành lập công ty theo hình thức nào, việc thực hiện vẫn sẽ theo quy định trên về thời hạn. Do đó, nếu quá thời hạn mà không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không nhận được thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ hay cập nhật dữ liệu trên Cổng thông tin Quốc gia, doanh nghiệp có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.