Đăng ký mã số thuế cho địa điểm kinh doanh có bắt buộc không?
Mục lục
Mã số thuế là một mã số định danh được cấp cho doanh nghiệp, bao gồm cả địa điểm kinh doanh để xác định và theo dõi. Nhiều doanh nghiệp thắc mắc rằng đăng ký mã số thuế cho địa điểm kinh doanh có bắt buộc không? Hãy cùng Đăng ký Kinh doanh nhanh giải đáp chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
1. Cấu trúc mã số thuế được quy định như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 105/2020/TT-BTC có quy định như sau:
1. Cấu trúc mã số thuế
N1N2N3N4N5N6N7N8N9N10 – N11N12N13
Trong đó:
– Hai chữ số đầu N1N2 là số phần khoảng của mã số thuế.
– Bảy chữ số N3N4N5N6N7N8N9 được quy định theo một cấu trúc xác định, tăng dần trong khoảng từ 0000001 đến 9999999.
– Chữ số N10 là chữ số kiểm tra.
– Ba chữ số N11N12N13 là các số thứ tự từ 001 đến 999.
– Dấu gạch ngang (-) là ký tự để phân tách nhóm 10 chữ số đầu và nhóm 3 chữ số cuối.
2. Mã số doanh nghiệp, mã số hợp tác xã, mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã là mã số thuế.
Như vậy, mã số thuế hiện hành thường có 10 hoặc 13 số, tuân theo cấu trúc N1N2N3N4N5N6N7N8N9N10 hoặc N1N2N3N4N5N6N7N8N9N10-N11N12N13. Trong đó, mỗi chữ cái N đại diện cho một số.
Lưu ý: Mã số doanh nghiệp, hợp tác xã và các đơn vị phụ thuộc đều được cấp mã số thuế theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp và hợp tác xã.
2. Đăng ký mã số thuế cho địa điểm kinh doanh có bắt buộc không?
Trước đây, theo quy định tại các công văn 3200/TCT-KK và 3202/TCT-KK năm 2019 của Tổng cục Thuế, mỗi địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đều được cấp một mã số thuế 13 số riêng biệt để thực hiện kê khai thuế.
Tuy nhiên, từ ngày 17/01/2021, với việc ban hành Thông tư 105/2020/TT-BTC, quy định này đã thay đổi, cụ thể như sau:
Căn cứ các quy định nêu trên, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế rà soát tình hình kê khai nộp thuế, sử dụng hóa đơn của địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đã được cấp mã số thuế 13 số theo công văn số 3200/TCT-KK trên địa bàn quản lý, nếu địa điểm kinh doanh không thuộc trường hợp trực tiếp kê khai nộp thuế hoặc thuộc trường hợp kê khai nộp thuế qua trụ sở chính của doanh nghiệp theo quy định hiện hành thì Cục Thuế quyết định việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo địa điểm kinh doanh phải hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 105/2020/TT-BTC.
Mã số thuế 13 số cấp cho địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không thực hiện liên thông với cơ quan đăng ký kinh doanh nên việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế 13 số của địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp cũng không thực hiện liên thông với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Như vậy thì theo quy định mới, mỗi địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp chỉ sử dụng một mã số thuế duy nhất, đó là mã số của công ty hoặc chi nhánh chính. Việc thay đổi nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và giúp việc quản lý thuế hiệu quả hơn. Theo đó:
- Địa điểm kinh doanh không còn được cấp mã số thuế 13 số riêng. Thay vào đó, địa điểm kinh doanh sẽ sử dụng chung mã số thuế với công ty hoặc chi nhánh chính.
- Cơ quan thuế sẽ tiến hành rà soát và chấm dứt hiệu lực của các mã số thuế 13 số đã cấp trước đây cho các địa điểm kinh doanh. Điều kiện là địa điểm đó không trực tiếp kê khai, nộp thuế hoặc đã chuyển về kê khai, nộp thuế qua trụ sở chính.
- Việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế 13 số của địa điểm kinh doanh không ảnh hưởng đến thủ tục đăng ký kinh doanh. Mã số thuế 13 số này chỉ liên quan đến việc quản lý thuế, không liên thông với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Xem thêm: Cách tra cứu đăng ký kinh doanh qua mã số thuế nhanh chóng
3. Doanh nghiệp sẽ được cấp mã số nào nếu không phải đăng ký mã số thuế cho địa điểm kinh doanh?
Theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP, mỗi địa điểm kinh doanh của một doanh nghiệp sẽ được cấp một mã số địa điểm riêng biệt gồm 5 chữ số. Mã số này có vai trò như một “căn cước công dân” của từng địa điểm, giúp các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng theo dõi và quản lý hoạt động kinh doanh tại từng địa điểm.
Khác với mã số thuế được sử dụng để kê khai và nộp thuế, mã số địa điểm chỉ dùng để phân biệt các địa điểm kinh doanh trong cùng một doanh nghiệp. Khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải cung cấp cả mã số thuế của doanh nghiệp và mã số địa điểm của địa điểm kinh doanh đó.