Đăng ký kinh doanh vận tải hành khách như thế nào?
Mục lục
Dịch vụ vận tải hành khách là một trong những ngành dịch vụ nổi bật trên thị trường hiện tại. Với nhu cầu di chuyển ngày một nhiều tạo ra một nguồn khách hàng khổng lồ. Song song với đó, để cung cấp dịch vụ này cần thành lập đơn vị vận tải theo đúng pháp luật. Thực hiện đăng ký theo đúng quy định sẽ giúp bạn bước chân vào thị trường này một cách vững chãi. Bài viết dưới đây Phan Law Vietnam sẽ hướng dẫn bạn cách đăng ký kinh doanh vận tải chính xác nhất.
Hoạt động kinh doanh vận tải là gì?
Kinh doanh vận tải là là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Đăng ký kinh doanh vận tải hành khách có thể bao gồm các loại hình sau:
- Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến với lịch trình, hành trình nhất định;
- Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định;
- Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền;
- Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải;
- Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch.
Tuy nhiên, để hoạt động kinh doanh với ngành nghề vận tải bạn cần hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh. Cá nhân không được phép thực hiện hoạt động kinh doanh này.
Người kinh doanh vận tải có quyền và nghĩa vụ gì?
Sau khi đăng ký kinh doanh vận tải thành công, bạn sẽ có các quyền và nghĩa vụ tương đương. Điều 69 Luật Giao Thông đường bộ 2008 có hướng dẫn như sau:
“1. Người kinh doanh vận tải hành khách có các quyền sau đây:
a) Thu cước, phí vận tải;
b) Từ chối vận chuyển trước khi phương tiện rời bến xe, rời vị trí đón, trả hành khách theo hợp đồng vận chuyển những người đã có vé hoặc người trong danh sách hợp đồng có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây cản trở công việc của người kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tài sản của người khác, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm.
2. Người kinh doanh vận tải hành khách có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện đầy đủ các cam kết về chất lượng vận tải, hợp đồng vận tải;
b) Mua bảo hiểm cho hành khách; phí bảo hiểm được tính vào giá vé hành khách;
c) Giao vé, chứng từ thu cước, phí vận tải cho hành khách;
d) Bồi thường thiệt hại do người làm công, người đại diện gây ra trong khi thực hiện công việc được người kinh doanh vận tải giao;
đ) Chịu trách nhiệm về hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải trái quy định của Luật này.
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vé và chứng từ thu cước, phí vận tải hành khách.”
Đăng ký kinh doanh vận tải và giấy phép kinh doanh
Sau khi thực hiện mở một trong các loại hình như: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bạn cần tiếp tục tiến hành xin cấp phép kinh doanh vận tải hành khách. Hồ sơ xin cấp phép bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu do Bộ Giao thông vận tải quy định;
- Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải;
- Phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
- Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công – ten – nơ);
- Bản đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải (đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi).