Đăng ký kinh doanh là gì và thủ tục thực hiện
Mục lục
Đăng ký kinh doanh là hoạt động cần thiết được tiến hành do các tổ chức, cá nhân tại Cơ quan đăng ký kinh doanh. Điều này nhằm hợp pháp hóa quá trình đưa sản phẩm hoặc dịch vụ tiếp cận đến thị trường một cách rộng rãi. Không chỉ là thủ tục bắt buộc, thực hiện đăng ký kinh doanh còn đem lại khá nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đặc biệt là một số chính sách cho thuê đất của Nhà nước. Vậy đăng ký kinh doanh là gì và thủ tục sẽ tiến hành ra sao?
Đăng ký kinh doanh là gì và thủ tục như thế nào?
Đăng ký kinh doanh là một thủ tục pháp lý bắt buộc của các cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động kinh doanh. Để đem đến cho bạn một cái nhìn tổng thể, phần viết dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra khái niệm về đăng ký kinh doanh và cách thức thực hiện thủ tục này.
Đăng ký kinh doanh là gì?
Trên thực tế, đăng ký kinh doanh là gì đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, được định nghĩa là sự ghi nhận bằng văn bản của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về mặt pháp lý sự ra đời của chủ thể kinh doanh. Tuy nhiên, đến Luật Doanh nghiệp 2020, khái niệm này đã không còn được luật hóa. Theo đó, căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 01/2021/NĐ – CP có quy định về đăng ký doanh nghiệp như sau:
“Đăng ký doanh nghiệp là việc người thành lập doanh nghiệp đăng ký thông tin về doanh nghiệp dự kiến thành lập, doanh nghiệp đăng ký những thay đổi trong thông tin về đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đăng ký doanh nghiệp bao gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và các nghĩa vụ đăng ký, thông báo khác theo quy định của Nghị định này.”
Như vậy, về cơ bản, đăng ký kinh doanh cũng bao gồm những nội dung trên. Tuy nhiên, về đối tượng, trong đăng ký kinh doanh sẽ được mở rộng hơn về các hình thức khác như hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.
Thủ tục thực hiện đăng ký kinh doanh
Đăng ký kinh doanh là khái niệm chung áp dụng với nhiều hình thức khác nhau khi thực hiện hoạt động đăng ký tại Cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, trong phần này, chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp – một hình thức phổ biến trong đăng ký kinh doanh. Cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ tùy thuộc vào loại hình công ty đã lựa chọn. Tài liệu, giấy tờ cần thiết trong hồ sơ quy định tại các Điều 19, 20, 21, 22 Luật Doanh nghiệp 2020.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền sẽ nộp 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh theo hình thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua mạng điện tử.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ đánh giá, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo đến người thành lập doanh nghiệp những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Nếu đã đáp ứng đủ điều kiện về hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.
Vì sao phải đăng ký kinh doanh?
Đây có lẽ là câu hỏi của khá nhiều người bởi đăng ký kinh doanh không phải là một thủ tục pháp lý đơn giản. Thế nhưng, đây được đánh giá là hoạt động cần thiết và bắt buộc. Vai trò của hoạt động này sẽ là:
- Sự bảo hộ của Nhà nước: Khi một chủ thể đăng ký kinh doanh thì sẽ được hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp, phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và văn bản pháp luật khác có liên quan. Do đó, mọi quyền lợi của doanh nghiệp hoặc chủ hộ kinh doanh đều sẽ được nhận sự bảo hộ từ Nhà nước.
- Lòng tin của khách hàng: Việc đăng ký kinh doanh một cách hợp pháp là minh chứng về tính chịu trách nhiệm của đơn vị kinh doanh đó với khách hàng. Khi có sự đảm bảo, khách hàng sẽ dễ dàng trao niềm tin và ủng hộ cho các đơn vị kinh doanh nêu trên.
- Lòng tin của các nhà đầu tư: Để duy trì hoạt động và phát triển mạnh mẽ trên thị trường, huy động vốn là điều cần thiết của các chủ thể kinh doanh. Và điều đầu tiên để tìm kiếm các nhà đầu tư – những người có khả năng cung ứng nguồn vốn đó là cách tiến hành hoạt động hợp pháp tức là bước đầu phải đăng ký kinh doanh.
- Tuân thủ pháp luật, tránh bị xử phạt: Đăng ký hoạt động kinh doanh chính là đang tuân thủ quy định pháp luật, tránh bị xử phạt vi phạm hành chính bởi cơ quan có thẩm quyền.
Không đăng ký kinh doanh bị xử phạt không?
Như đã đề cập, nếu không thực hiện hoạt động đăng ký kinh doanh thì các cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt. Tại khoản 2 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp phải “thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này”.
Ngoài ra, hộ kinh doanh cũng phải thực hiện nghĩa vụ này trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ – CP. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy định này, sẽ bị xử phạt theo Nghị định 122/2021/NĐ – CP tùy theo hành vi vi phạm cụ thể.