Đăng ký kinh doanh hợp tác xã để làm gì?
Mục lục
Hợp tác xã là loại hình tồn tại lâu đời trong hệ thống kinh tế Việt Nam. Tổ chức kinh tế này tồn tại song song với các loại hình doanh nghiệp hiện hành như: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn… Để hoạt động bạn vẫn phải tiến hành đăng ký kinh doanh hợp tác xã theo quy định của pháp luật. Phan Law Vietnam xin cung cấp các thông tin pháp lý cần thiết để bạn đọc tham khảo ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Định nghĩa chính xác về hợp tác xã
Trước khi quyết định đăng ký kinh doanh hợp tác xã, bạn cần biết khái niệm và các loại hình hiện có của tổ chức kinh tế này. Theo hướng dẫn tại Điều 3 Luật Hợp tác xã 2013, Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hiểu như sau:
“1. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.
2. Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã.
3. Khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật doanh nghiệp.”
Như vậy, có thể thấy cấu trúc hợp tác xã tương tự như doanh nghiệp, công ty và nhóm công ty, tổ chức kinh tế theo định nghĩa của Luật Doanh nghiệp.
Đăng ký kinh doanh theo mô hình hợp tác xã
Hoạt động dưới mô hình hợp tác xã bạn vẫn phải thực hiện đăng ký kinh doanh hợp tác xã theo quy định pháp luật. Trước hết bạn thực hiện hội nghị thành lập hợp tác xã và thông qua các vấn đề như:
- Điều lệ hợp tác xã, phương án sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và dự kiến danh sách thành viên.
- Bầu hội đồng quản trị và chủ tịch hội đồng quản trị; quyết định việc lựa chọn giám đốc (tổng giám đốc) trong số thành viên.
- Bầu ban kiểm soát, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên
- Các nội dung khác có liên quan đến việc thành lập và tổ chức, hoạt động của hợp tác xã
Trước khi đưa hợp tác xã đi vào hoạt động, bạn phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hợp tác xã đăng ký tại phòng tài chính – kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự định thành lập đặt trụ sở chính. Thành phần hồ sơ đăng ký bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã
- Điều lệ;
- Phương án sản xuất, kinh doanh;
- Danh sách thành viên, hợp tác xã thành viên; danh sách hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;
- Nghị quyết hội nghị thành lập.
Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã
Sau khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, trong vòng 05 ngày Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hợp tác xã. Trong trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký thì cơ quan đăng ký hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản hoặc thư điện tử nêu rõ lý do cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã biết trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ. Theo quy định tại Điều 24 Luật Hợp tác xã, điều kiện để được cấp giấy chứng nhận là:
“1. Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm;
2. Hồ sơ đăng ký theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này;
3. Tên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được đặt theo quy định tại Điều 22 của Luật này;
4. Có trụ sở chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này.”