Công ty TNHH MTV là gì?
Mục lục
Công ty TNHH có hai loại hình là công ty TNHH MTV và công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Trong bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu công ty TNHH MTV là gì?
1. Công ty TNHH MTV là gì?
Điều 74, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về công ty TNHH MTV như sau:
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.
Theo quy định trên thì công ty TNHH MTV sở hữu các đặc điểm chính sau:
– Công ty TNHH 1 thành viên có tư cách pháp nhân. Công ty được thừa nhận độc lập, tách bạch hoàn toàn đối với chủ sở hữu công ty kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Chủ sở hữu chỉ là một tổ chức duy nhất hoặc một cá nhân độc lập.
– Trách nhiệm của chủ sở hữu công ty đối với các khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài sản khác mà công ty tạo nên là chế độ hữu hạn. Theo đó chủ sở hữu công ty chỉ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ.
– Không có quyền được phát hành cổ phần để huy động vốn.
Xem thêm: Dịch vụ hỗ trợ thành lập công ty trọn gói
2. Cơ cấu tổ chức công ty TNHH MTV
Chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên có thể là cá nhân, tổ chức hoặc nhà nước. Tùy vào chủ sở hữu là ai mà cơ cấu công ty TNHH 1 thành viên có sự khác biệt đáng kể.
2.1. Công ty TNHH MTV do tổ chức làm chủ sở hữu
Cơ cấu công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
- Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;
- Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.
Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, thì chức năng, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên thực hiện theo quy định của Luật này.
2.2. Công ty TNHH MTV do cá nhân làm chủ sở hữu
Cơ cấu công ty TNHH 1 thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Quyền, nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với Chủ tịch công ty.
2.3. Công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước làm chủ sở hữu
Chủ sở hữu là nhà nước nắm 100% vốn điều lệ của công ty và có toàn quyền thay đổi cơ cấu tổ chức như bổ nhiệm, miễn nhiệm, thuê các cấp quản lý doanh nghiệp. Cơ cấu công ty TNHH 1 thành viên đối với trường hợp này sẽ thuộc 1 trong 2 mô hình sau:
- Chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc, ban kiểm soát;
- Hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc, ban kiểm soát.
3. Thành lập công ty TNHH MTV
Để thành lập công ty TNHH 1 thành viên, bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Theo quy định hướng dẫn tại Điều 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ thành lập yêu cầu các tài liệu sau:
“1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.”