Công ty hợp danh và đặc trưng cơ bản
Mục lục
1. Bạn hiểu gì về công ty hợp danh?
Điều 177 thuộc Luật Doanh nghiệp 2020 đã ghi rõ: Công ty hợp danh chính là công ty phải có ít nhất 2 thành viên (là cá nhân) là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh và phát triển dưới một tên chung. Các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng mọi tài sản của mình về nghĩa vụ của công ty. Bên cạnh các thành viên hợp danh thì còn có thành viên góp vốn. Đối với thành viên này sẽ phải chịu các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Kể từ ngày có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty hợp danh sẽ có tư cách pháp nhân.
2. Công ty hợp danh có những đặc điểm nào?
Khác với các loại hình công ty khác như công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên,… thì công ty hợp danh có những đặc điểm riêng biệt. Cùng phân tích những đặc điểm đó qua nội dung tiếp theo.
2.1. Thành viên của công ty hợp danh
Công ty hợp danh phải có tối thiểu 2 thành viên là chủ sở hữu chung công ty gọi là thành viên hợp danh. Ngoài ra có thể có thành viên góp vốn.
Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Thành viên hợp danh không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
2.2. Tiến hành góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp
- Theo đó, thành viên góp vốn và thành viên hợp danh phải có trách nhiệm góp đầy đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết từ trước.
- Trong trường hợp thành viên hợp danh không thực hiện trách nhiệm góp đầy đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết từ trước, dẫn đến gây thiệt hại cho công ty thì phải tiến hành bồi thường thiệt hại cho công ty. Đồng thời, số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty. Đối với trường hợp này, thành viên góp vốn sẽ có thể bị khai trừ ra khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.
- Nếu như đã góp đầy đủ vốn thì thành viên sẽ được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp.
2.3. Các tài sản của công ty hợp danh
Tài sản của công ty hợp danh sẽ gồm có:
- Tài sản góp vốn của các thành viên đã chuyển quyền sở hữu cho công ty.
- Tài sản tạo lập đã được mang tên công ty.
- Tài sản thu được từ việc kinh doanh được thực hiện bởi thành viên hợp danh nhân danh công ty và từ việc kinh doanh của công ty được thực hiện bởi thành viên hợp danh nhân danh cá nhân.
- Một số tài sản khác theo quy định của pháp luật.
2.4. Đại diện theo pháp luật và tiến hành điều hành kinh doanh
Các thành viên hợp danh sẽ có quyền đại diện theo pháp luật và tiến hành điều hành hoạt động kinh doanh chung của công ty. Trong quá trình điều hành hoạt động kinh doanh chung của công ty hợp danh, thành viên hợp danh phải có trách nhiệm phân công nhiệm vụ để đảm nhiệm các chức danh quản lý và thực hiện việc kiểm soát công ty.
Khi một số hoặc tất cả thành viên hợp danh cùng thực hiện một số công việc kinh doanh thì quyết định được thông qua theo nguyên tắc đa số.
3. Để thành lập công ty hợp danh cần trải qua mấy bước thủ tục?
Để thành lập công ty hợp danh sẽ cần phải đi qua 5 bước thủ tục dưới đây:
- Bước 1: Sau khi hoàn tất quá trình chuẩn bị hồ sơ, các cá nhân sẽ nộp hồ sơ tại phòng đăng ký kinh doanh nơi mà doanh nghiệp đặt trụ sở.
- Bước 2: Sau khi phòng đăng ký kinh doanh nhận hồ sơ thì sẽ tiến hành trao giấy biên nhận cho người nộp.
- Bước 3: Phòng đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong khoảng từ 3 – 5 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
- Bước 4: Doanh nghiệp sẽ tiến hành công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp trên cổng thông tin đăng ký quốc gia. Nội dung công bố bao gồm ngành nghề kinh doanh và nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Bước 5: Thông báo mẫu dấu đã làm đến phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Xem thêm: Tư vấn thành lập công ty
Bài viết trên của Phan Law Vietnam đã giới thiệu những đặc điểm cơ bản của công ty hợp danh để bạn đọc nắm rõ. Hy vọng, những thông tin trên sẽ hữu ích đối với bạn.