Cơ quan đăng ký kinh doanh TP HCM
Mục lục
Để một công ty, doanh nghiệp được hoạt động và bảo vệ quyền lợi trước pháp luật thì các cá nhân, tổ chức phải đăng ký kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc đăng kí và cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân.
Cơ quan đăng ký kinh doanh TP HCM ở đâu?
Cơ quan đăng ký kinh doanh TP HCM chính là tại sở kế hoạch đầu tư TP HCM.
Địa chỉ sở kế hoạch đầu tư HCM: Số 32 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
SĐT: 028.38293179
Email: dkkd.skhdt@hcm.gov.vn
Các thủ tục đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM
Các thủ tục đăng ký kinh doanh sở kế hoạch đầu tư TP HCM có thể được chia làm các lĩnh vực như sau:
- Đăng ký thành lập doanh nghiệp;
- Đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
- Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
- Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;
- Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo;
- Giải thể doanh nghiệp;
- Thông báo mẫu con dấu;
- Công bố thông tin doanh nghiệp;
- Đăng ký thông tin tài khoản ngân hàng;
- Đăng ký doanh nghiệp xã hội;
- Cấp đổi từ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty cổ phần đại chúng.
Trình tự thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM
Trình tự đăng ký thành lập doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2014, theo đó, việc đăng ký doanh nghiệp được tiến hành tại cơ quan đăng ký kinh doanh, bao gồm các bước cụ thể sau:
Thứ nhất, nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Người thành lập doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật này tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền (Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh) và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung hồ sơ.
Quy định này nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật, tính tự giác, tự chịu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu gia nhập thị trường, đồng thời, việc giảm trách nhiệm thẩm định hồ sơ của cơ quan đăng ký kinh doanh cho phép rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Thứ hai, tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện bằng việc cơ quan đăng ký kinh doanh ghi vào sổ hồ sơ tiếp nhận của cơ quan mình, đồng thời trao cho người thành lập Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ hợp lệ. Thời điểm tiếp nhận hồ sơ hợp lệ được coi là căn cứ để xác định thời hạn thực hiện trách nhiệm đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh. Cũng chính vì thế mà giấy biên nhận về việc tiếp nhận hồ sơ là cơ sở pháp lý để người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện quyền khiếu nại của mình trong trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh không cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đúng thời hạn và không có thông báo về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Thứ ba, xem xét tính hợp lệ hồ sơ đăng ký và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ; nếu từ chối cấp Giấy thì thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm các giấy tờ khác không quy định tại Luật này.