Chi phí đăng ký kinh doanh là bao nhiêu?
Mục lục
Chi phí đăng ký kinh doanh bao gồm lệ phí nhà nước và các chi phí liên quan khác như: Mua chữ ký số, mua hóa đơn, làm bảng hiệu công ty,… Do đó, mức phí này sẽ không cố định mà sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Chi phí đăng ký kinh doanh là bao nhiêu?
Chi phí đăng ký kinh doanh bao gồm lệ phí nhà nước và các chi phí liên quan khác. Bạn có thể ước chừng mức phí này dựa vào các hạng mục sau:
Lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp
Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp phải nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ thành lập công ty.
Lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Thông tư 47/2019/TT-BTC là 200.000 đồng.
Tuy nhiên, theo Thông tư 47/2019/TT-BTC thay thế thông tư 215/2016/TT-BTC, chi phí đăng ký kinh doanh được giảm còn 100.000 đồng/lần.
Người thành lập doanh nghiệp có thể nộp lệ phí trực tiếp hoặc chuyển vào tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
Bên cạnh đó, Doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Phí Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, trong thời hạn 30 ngày, doanh nghiệp phải tiến hành công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia.
Mức phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp theo Thông tư 47/2019/TT-BTC là 100.000 đồng.
Chi phí khắc con dấu doanh nghiệp
Hiện nay có nhiều mức giá trên thị trường đối với việc khắc con dấu doanh nghiệp.
Chi phí phụ thuộc vào đơn vị cung cấp dịch vụ khắc dấu, loại con dấu theo yêu cầu của doanh nghiệp. Mức giá cho dấu tròn công ty dao động từ 250.000 đ đến 350.000 đ. Dấu chức danh của Giám đốc, chủ tịch….từ 70.000 đ đến 150.000 đ.
Phí mua chữ ký số (Token)
Theo Nghị định 130/2018/NĐ-CP, “Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng.
Hiểu đơn giản hơn, chữ ký số là dạng USB được mã hóa dùng thay cho chữ ký và con dấu của người đại diện theo pháp luật để ký tên lên tờ khai hoặc thao tác khác trên mạng nhằm xác định mọi thao tác là của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp liên hệ với nhà cung cấp chữ ký số như Viettel, New-CA, FPT, BKav…. để mua thiết bị Chữ ký số (Còn gọi là Token).
Chi phí phụ thuộc vào nhà cung cấp và số năm sử dụng dịch vụ. Chữ ký số 03 năm sử dụng giao động từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Mở tài khoản ngân hàng và nộp thông báo tài khoản ngân hàng
Doanh nghiệp phải mở tài khoản ngân hàng để giao dịch và dùng để nộp thuế theo quy định bắt buộc hiện nay. Phí mở tài khoản thường sẽ là miễn phí. Tuy nhiên doanh nghiệp cần phải đóng một khoản phí để thực hiện việc duy trì tài khoản. Mức trung bình vào khoảng 1.000.000 đồng.
Chi phí làm bảng hiệu công ty
Khoảng 200.000 VNĐ tùy vào chất liệu và kích thước. Đối với một số công ty có nhu cầu khắc bảng hiệu lớn hơn với chất liệu khác như đá, nhôm cao cấp,… thì mức chi phí có thể sẽ khác.
Lựa chọn hình thức đăng ký kinh doanh nào cho phù hợp?
Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi bắt đầu tiến hành kinh doanh trên thương trường, người khởi nghiệp có một số lựa chọn về mô hình kinh doanh. Cụ thể:
Đăng ký kinh doanh thành lập hộ kinh doanh cá thể
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh.
Đăng ký thành lập doanh nghiệp
Khác với tiến hành đăng ký kinh doanh hộ cá thể, khởi nghiệp theo hình thức thành lập doanh nghiệp người khởi nghiệp có một số lựa chọn một trong các loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực 01/01/2021 như sau:
- Thành lập doanh nghiệp tư nhân;
- Thành lập công ty TNHH: bao gồm: công ty TNHH một thành viên hoặc Công ty TNHH hai thành viên trở lên.
- Thành lập công ty cổ phần;
- Thành lập công ty hợp danh (đối với một số lĩnh vực đặc thù).