Cách thành lập công ty cổ phần như thế nào?
Mục lục
Công ty cổ phần là loại hình đặc trưng của công ty đối vốn, do đó vấn đề vốn góp rất được chú trọng, còn việc ai góp vốn sẽ không quan trọng. Với nhiều ưu điểm của loại hình này mà đa phần các doanh nghiệp hiện nay lựa chọn để thành lập. Vậy cách thành lập công ty cổ phần sẽ như thế nào?
Điều kiện thành lập công ty cổ phần
Việc thành lập công ty cổ phần cũng cần một số yêu cầu nhất định nhưng trước hết phải tuân thủ các điều kiện như sau:
- Về vốn điều lệ: Không giới hạn số vốn điều lệ. Theo quy định, thời gian để các cổ đông góp đủ vốn đăng ký mua là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Về thành viên: Đối với loại hình CTCP, số thành viên tối thiểu là 03 và không giới hạn số lượng tối đa cổ đông tham gia.
- Về ngành nghề kinh doanh: Doanh nghiệp được tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm theo khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Về trụ sở công ty: Trụ sở chính của doanh nghiệp phải có địa chỉ rõ ràng, cụ thể quy định tại Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Về cách đặt tên: Tên của CTCP phải tuân thủ theo quy định tại Điều 37, 38, 39 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Về đại diện pháp luật: Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần có thể là người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp khác nhau.
Hồ sơ thành lập CTCP
Hồ sơ thành lập công ty cổ phần bao gồm một số tài liệu cần thiết. Cụ thể gồm có:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu.
- Dự thảo điều lệ công ty.
- Danh sách cổ đông sáng lập.
- Danh sách người đại diện theo ủy quyền (của cổ đông là tổ chức nước ngoài)
- Bản cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường (đối với doanh nghiệp xã hội);
- CMND/Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của cổ đông (bản sao).
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và văn bản uỷ quyền kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức.
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Trường hợp không phải chủ sở hữu của doanh nghiệp trực tiếp nộp hồ sơ thì người được ủy quyền phải nộp bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân.
Cách thành lập công ty cổ phần
Căn cứ theo Quyết định 1523/QĐ-BKHĐT, cách thành lập công ty cổ phần cần thực hiện 03 bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Có 02 cách thức để nộp hồ sơ thành lập công ty cổ phần. Cụ thể như sau:
- Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Cách 2: Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Việc tiếp theo ở bước này là tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Cụ thể được thực hiện như sau:
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp
Người đăng ký sẽ nộp hồ sơ thành lập công ty cổ phần đến Phòng Đăng ký kinh doanh và thanh toán lệ phí. Sau đó, sẽ được Cơ quan đăng ký trao Giấy biên nhận. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, sẽ tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu hồ sơ không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ từ chối và thông báo bằng văn bản.
Trường hợp nộp hồ sơ qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số công cộng
Người đăng ký sẽ tiến hành kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và ký số vào hồ sơ đăng ký điện tử trên Cổng thông tin quốc gia. Sau khi hoàn tất việc gửi hồ sơ, các chủ thể đăng ký sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
Nếu hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin sang cơ quan thuế để tự động tạo mã số doanh nghiệp. Sau khi nhận được mã số doanh nghiệp từ cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Trường hợp nộp hồ sơ qua mạng điện tử sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh
Người đăng ký sẽ kê khai thông tin, tải văn bản điện tử của các giấy tờ chứng thực cá nhân tại Cổng thông tin quốc gia để được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh. Sau đó, họ sẽ sử dụng tài khoản này để kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng.
Nếu hồ sơ hợp lệ thì Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin cho cơ quan thuế để tạo mã số doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp sau khi nhận được mã số từ cơ quan thuế. Sau khi nhận thông báo, người đăng ký nộp hồ sơ kèm theo Giấy biên nhận hồ sơ đến Cơ quan đăng ký bằng cách nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Bước 3: Nhận kết quả
Thời hạn giải quyết trong 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Lệ phí để thực hiện thủ tục này là 50.000 đồng/ lần đối với hồ sơ nộp trực tiếp. Đối với hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử sẽ không phải đóng bất kỳ chi phí nào.
Sử dụng dịch vụ pháp lý bên đơn vị nào để việc thành lập công ty được thuận lợi?
Để thành lập CTCP, đa phần các doanh nghiệp thường sử dụng dịch vụ thành lập doanh nghiệp của các đơn vị uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm. Sở dĩ là bởi, thủ tục thành lập công ty tương đối phức tạp, nếu chưa nắm rõ các quy định thì đây sẽ là vấn đề khó khăn cho các chủ doanh nghiệp. Do đó, với mong muốn đem lại hiệu quả tốt nhất cho khách hàng, Văn phòng đăng ký kinh doanh nhanh sẵn sàng hỗ trợ quý khách để thực hiện công việc này.