Các điều kiện kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp
Mục lục
Điều kiện kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp là điều kiện áp dụng với một số ngành nghề nhất định do pháp luật quy định chủ thể kinh doanh cần có khi kinh doanh. Điều kiện kinh doanh thường bị nhầm lẫn với các khái niệm khác như điều kiện thành lập doanh nghiệp. Nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn, trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu rõ về điều kiện kinh doanh và những thông tin liên quan khác.
1. Điều kiện kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp
Điều kiện được kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp được thể hiện dưới hai hình thức, bao gồm giấy phép kinh doanh và các điều kiện kinh doanh không cần giấy phép.
1.1. Giấy phép kinh doanh
Giấy phép kinh doanh là loại giấy tờ chứng minh pháp luật cho phép doanh nghiệp kinh doanh một ngành nghề được nêu rõ trong giấy. Văn bản này khác với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Giấy phép kinh doanh được cấp sau khi doanh nghiệp nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Giấy phép kinh doanh là loại giấy có thời hạn cụ thể. Đối với doanh nghiệp trong nước, thời hạn của giấy phép này là vô hạn. Còn đối với doanh nghiệp ngoài nước thì thời hạn sẽ bị giới hạn theo quy định của pháp luật.
Để đạt được hình thức này của điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp cần đăng ký giấy phép kinh doanh. Doanh nghiệp có thể tự thực hiện thủ tục đăng ký hoặc ủy quyền cho một đơn vị khác để thực hiện đều được.
1.2. Các điều kiện kinh doanh không cần giấy phép
Điều kiện kinh doanh không cần giấy phép bao gồm những điều kiện về vệ sinh, quy định phòng cháy chữa cháy, an ninh,… Để thỏa mãn điều kiện kinh doanh này, doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo thông qua các đợt kiểm tra từ thanh tra và đăng ký để được kiểm tra nhằm có được giấy chứng nhận.
2. Cách đạt đủ điều kiện kinh doanh
Để đạt đủ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp cần có giấy phép kinh doanh và thỏa mãn các điều kiện kinh doanh không cần giấy phép. Và để có được hai điều trên, doanh nghiệp cần thỏa mãn tất cả những điều sau đây:
2.1. Thỏa mãn điều kiện về ngành nghề
Đối với những ngành nghề có điều kiện thì doanh nghiệp cần phải có giấy phép kinh doanh. Trong Luật Đầu tư, tại Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 có quy định về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bao gồm 243 ngành nghề khác nhau. Doanh nghiệp có thể tra thông tin chi tiết tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Nếu thuộc những doanh nghiệp trong danh sách thì doanh nghiệp mới được xem xét cấp giấy phép kinh doanh. Còn nếu không thuộc danh mục trên thì có thể rơi vào hai trường hợp, một là có thể kinh doanh không cần giấy phép, hai là không được phép kinh doanh (đối với mặt hàng, dịch vụ bị pháp luật cấm). Các ngành nghề bị cấm kinh doanh được quy định chi tiết tại điều 6 Luật Đầu tư 2020.
2.2. Thỏa mãn điều kiện về cơ sở vật chất
Các điều kiện cơ sở vật chất bao gồm các điều kiện liên quan đến cả cơ sở vật chất và con người của cơ sở đó. Những điều kiện này thể hiện thông qua việc doanh nghiệp đạt được các chứng nhận như Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, Giấy chứng nhận an ninh, trật tự, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm về nghề nghiệp,…
Với mỗi ngành, nghề kinh doanh khác nhau, pháp luật sẽ quy định những giấy chứng nhận tối thiểu mà doanh nghiệp cần có. Cụ thể, nếu hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, để đủ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp cần có Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
2.3. Thỏa mãn điều kiện về chứng chỉ hành nghề
Chứng chỉ hành nghề là loại giấy tờ được cấp cho cá nhân có đủ chuyên môn, trình độ và kinh nghiệm về một ngành nghề cụ thể. Đối với một số ngành nghề kinh doanh nhất định, cá nhân có giấy chứng nhận hành nghề phải đảm nhận các vị trí nhất định trong doanh nghiệp thì mới đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh.
Cụ thể, nếu đăng ký mở nhà thuốc thì người quản lý phải có chứng chỉ hành nghề Dược sĩ trở lên và có ít nhất 2 năm kinh nghiệm thì mới được phép kinh doanh. Ngoài ra, trong một số ngành nghề, giám đốc và các cá nhân khác cũng được yêu cầu có chứng chỉ hành nghề thì doanh nghiệp mới được kinh doanh.
2.4. Thỏa mãn điều kiện về vốn pháp định
Mức vốn pháp định được hiểu là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập doanh nghiệp. Điều kiện về vốn pháp định được đưa ra nhằm đảm bảo doanh nghiệp có đủ trách nhiệm tài sản yêu cầu khi tham gia vào các quan hệ kinh doanh. Theo đó, vốn pháp định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh khi tham gia vào quan hệ kinh doanh với nhau.
Cụ thể, theo pháp luật hiện hành thì:
- Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần có vốn pháp định là 20.000.000.000 đồng.
- Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và liên kết bảo hiểm hưu trí phải có vốn pháp định là 800.000.000.000 đồng.
- Ngân hàng thương mại cần vốn pháp định lên đến 3.000.000.000.000 đồng.
- Ngân hàng chính sách cần vốn pháp định là 5.000.000.000.000 đồng.
- Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới cần vốn pháp định là 500.000 USD.