Hồ sơ thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Mục lục
Hồ sơ thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên có gì khác biệt so với hồ sơ thành lập công ty TNHH 1 thành viên. Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
1. Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định tại Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020 là:
- Là công ty có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân;
- Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
- Có tư cách pháp nhân;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần;
- Được phép phát hành trái phiếu.
Ưu điểm loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên
- Ít rủi ro cho những người tham gia góp vốn vì các thành viên góp vốn vào công ty TNHH 2 thành viên trở lên chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn góp vào công ty;
- Tuy số lượng thành viên lớn nhưng việc điều hành công ty không quá phức tạp như công ty cổ phần;
- Việc chuyển nhượng vốn cũng diễn ra theo quy định chặt chẽ của phát luật nên tránh được việc nhà đầu tư không kiểm soát được số lượng thành viên góp vốn;
- Công ty TNHH được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn. Việc phát hành trái phiếu cần theo quy định của pháp luật.
Nhược điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên
- Việc chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn góp nên trách nhiệm của mỗi thành viên góp vốn là không lớn, chính điều đó làm giảm độ tin cậy của những nhà đầu tư vào công ty;
- Công ty chỉ được phát hành trái phiếu mà không phải là cổ phiếu như công ty cổ phần. Bên cạnh đó số lượng thành viên bị giới hạn ở mức 50 người nên khả năng huy động vốn bị hạn chế hơn rất nhiều so với loại hình công ty cổ phần.
2. Hồ sơ thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Thành phần hồ sơ:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
– Điều lệ công ty.
– Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
– Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty;
- Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH 2 thành viên bằng nhiều cách khác nhau như:
- Nộp hồ sơ giấy trực tiếp đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
- Nộp hồ sơ thông qua đường bưu điện;
- Đăng ký doanh nghiệp thông qua hệ thống đăng ký doanh nghiệp trực tuyến;
- Thực hiện hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thông qua đại diện pháp lý doanh nghiệp.
Thời hạn để cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được hướng dẫn tại khoản 5 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020:
“Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.”
3. Những việc cần làm sau khi thành lập công ty
Sau khi được Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì các bạn cần phải:
- Thực hiện thủ tục khắc dấu tròn doanh nghiệp: Doanh nghiệp quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải thể hiện tên công ty; mã số doanh;
- Mở tài khoản ngân hàng;
- Thông báo những thay đổi thông tin về thuế đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính;
- Đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, ngân hàng xác nhận về việc đã đăng ký nộp thuế điện tử;
- Đóng thuế môn bài;
- Đến cơ quan thuế sở tại để tiến hành khai thuế, nộp hồ sơ khai thuế ban đầu, đặt in hóa đơn,…..
- Làm báo cáo thuế, sổ sách hàng theo tháng, quý, năm.