Mẫu đơn đăng ký kinh doanh hộ cá thể và những điều cần biết
Mục lục
Mẫu đơn đăng ký kinh doanh hộ cá thể bao gồm những thông tin gì? Cần những giấy tờ nào khi đăng ký kinh doanh hộ cá thể? Cùng tìm hiểu nhé.
1. Mẫu đơn đăng ký kinh doanh hộ cá thể mới nhất
Mẫu đơn đăng ký kinh doanh hộ cá thể được tạo ra dựa trên các quy định về hộ kinh doanh theo luật pháp Việt Nam. Người đăng ký hộ kinh doanh có thể soạn đơn theo mẫu dưới đây:
2. Các loại giấy tờ gửi kèm khi đăng ký kinh doanh hộ cá thể
Ngoài mẫu đơn đăng ký kinh doanh hộ cá thể ra, khi cá nhân hoặc nhóm cá nhân muốn đăng ký hộ kinh doanh thì cần phải đính kèm các loại giấy tờ dưới đây:
- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ cá thể hợp lệ theo quy định mới nhất.
- Danh sách các cá nhân góp vốn.
- Bản sao hợp lệ các giấy tờ cá nhân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình.
- Nếu hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập và quản lý thì phải có bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc đề nghị thành lập hộ kinh doanh.
3. Các vấn đề liên quan khi đăng ký kinh doanh
3.1 Đối tượng được đăng ký kinh doanh cá thể
Theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định tại Điều 79, đối tượng được quyền đăng ký hộ kinh doanh cá thể là cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi, với đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Một người chỉ được đứng tên đăng ký một hộ kinh doanh cá thể duy nhất trên phạm vi cả nước. Nếu bạn đã là chủ một hộ kinh doanh trước đó và muốn đăng ký hộ kinh doanh mới thì phải giải thể hộ kinh doanh cũ.
3.2 Địa điểm đăng ký kinh doanh
Địa điểm kinh doanh của hộ cá thể là nơi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Mỗi hộ kinh doanh có thể kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng chỉ được chọn một địa điểm duy nhất để đăng ký và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, Cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.
Ngoài ra, địa điểm đăng ký kinh doanh tuyệt đối không được nằm trong khu quy hoạch của nhà nước, không phải là chung cư (ngoại trừ trường hợp hộ kinh doanh cho thuê nhà để ở).
3.3 Vốn điều lệ khi đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Hiện nay, luật không quy định về số vốn tối thiểu hay tối đa khi đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Do đó, chủ hộ có thể đăng ký số vốn điều lệ bao nhiêu là tùy thuộc vào khả năng, nhu cầu, mục đích và phạm vi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc chịu trách nhiệm về rủi ro của hộ kinh doanh là vô hạn (chịu trách nhiệm trên tất cả tài sản có được). Vì vậy, khi đăng ký hộ kinh doanh, chủ hộ cần cân nhắc về những rủi ro sau này.
Ngoài ra, mức vốn điều lệ đăng ký cũng không nên quá thấp hay quá cao. Cơ quan thuế sẽ tính thuế khoán hàng tháng dựa trên:
- Vốn điều lệ cao hay thấp.
- Địa điểm kinh doanh thuộc khu vực có thuộc khu sầm uất, có địa thế thuận lợi, mặt tiền hay trong hẻm.
- Mặt hàng của hộ kinh doanh có khả năng tiêu thụ tốt hay không tốt.
3.4 Số lượng lao động tối đa
Trước đây, số lượng lao động tối đa của hộ kinh doanh cá thể được phép sử dụng là 9. Tuy nhiên, theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh không còn bị giới hạn số lượng lao động nữa.
3.5 Đặt tên hộ kinh doanh cá thể
Tương tự như quy định đối với đăng ký doanh nghiệp, việc đặt tên hộ kinh doanh cần đáp ứng các yêu cầu dưới đây:
- Tên gồm 2 thành phần chính là Hộ kinh doanh + Tên riêng.
- Không đặt tên hộ kinh doanh cá thể bằng tên tiếng Anh. Nếu dùng tiếng Anh thì cần đảm bảo có dấu chấm giữa các ký tự.
- Tên của hộ kinh doanh cá thể mới không được phép trùng lặp với tên của các hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi huyện, quận.
- Tên hộ kinh doanh không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.
- Tên hộ kinh doanh cá thể không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
3.6 Lưu ý khi đăng ký ngành nghề kinh doanh hộ cá thể
Ngành, nghề mà hộ kinh doanh cá thể đăng ký phải được thể hiện trên tờ khai và không bị pháp luật cấm. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện quy định để được kinh doanh hợp pháp.