Hướng dẫn chi tiết lập các thủ tục thành lập công ty mới nhất 2023
Mục lục
Mỗi năm, tại Việt Nam xuất hiện rất nhiều công ty/doanh nghiệp mới thành lập. Điều này dẫn đến nhu cầu thành lập thủ tục công ty diễn ra rất thường xuyên. Qua bài viết dưới đây, Phan Law Vietnam sẽ hướng dẫn chi tiết bạn cách lập các thủ tục thành lập công ty mới nhất nhé!
1. Điều kiện cần để thành lập công ty
Để thành lập công ty, chủ doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Người đại diện và chủ sở hữu theo pháp luật: Đủ từ 18 tuổi trở lên, có chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu hợp lệ và không thuộc nhóm đối tượng bị cấm thành lập công ty.
- Địa chỉ công ty: có địa chỉ xác định và không nằm trong khu chung cư
- Tên công ty: Tên công ty không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của các công ty đã thành lập trước đó (áp dụng trên toàn quốc).
- Vốn điều lệ: Xác định vốn điều lệ để đăng ký kinh doanh. Vốn điều lệ là số vốn góp hoặc cam kết góp toàn bộ của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông trong một thời hạn nhất định (không quá 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) và được ghi vào Điều lệ Công ty.
- Xác định ngành nghề kinh doanh: Ngành nghề bạn muốn đăng ký phải được pháp luật cho phép và doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về ngành nghề đó (nếu có).
- Xác định loại hình công ty: Chủ doanh nghiệp cần cân nhắc lựa chọn loại hình tổ chức phù hợp dựa trên các tiêu chí về nghĩa vụ thuế, trách nhiệm pháp lý, khả năng chuyển nhượng, bổ sung, thay thế và các quy định. Mô hình kinh doanh đáp ứng được hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Các thủ tục thành lập công ty cần thiết
2.1. Chọn loại hình công ty
Luật Doanh nghiệp hiện nay công nhận 5 loại hình doanh nghiệp, bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) có 2 thành viên trở lên;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
- Công ty Cổ phần;
- Công ty hợp danh;
- Doanh nghiệp tư nhân.
Khi có nhu cầu thành lập công ty, trước tiên các cá nhân, tổ chức cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp. Để biết nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào, bạn cần hiểu rõ bản chất, đặc điểm, điều kiện của từng loại hình doanh nghiệp.
Cách đơn giản nhất là dựa vào số lượng thành viên tham gia thành lập công ty. Nếu chỉ có một người thì có thể chọn doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH một thành viên. Còn nếu số lượng thành viên nhiều hơn có thể lựa chọn công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) 2 thành viên trở lên,…
2.2. Xác định tên công ty, địa chỉ trụ sở, vốn điều lệ và ngành nghề kinh doanh
2.2.1. Về tên công ty
Theo Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020, hướng dẫn bởi Nghị định 01/2021/NĐ-CP, khi đặt tên công ty, tổ chức, cá nhân cần có những chú ý các vấn đề sau:
- Tên tiếng Việt bao gồm 02 thành phần: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng;
- Tên công ty không được trùng với tên của công ty khác;
- Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội… để đặt tên công ty;
- Không sử dụng từ ngữ, biểu tượng vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, thuần phong mỹ tục.
2.2.2. Địa chỉ đặt trụ sở công ty
Theo Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định về trụ sở chính của doanh nghiệp nằm trên lãnh thổ Việt Nam, được xác định theo địa giới đơn vị hành chính.
2.2.3 Vốn điều lệ
Trường hợp lựa chọn loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn thì tổ chức, cá nhân phải xác định mức vốn điều lệ.
- Nếu là công ty cổ phần: Vốn điều lệ là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đăng ký mua khi thành lập công ty.
- Nếu là công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn: Là tổng giá trị tài sản do các thành viên, chủ sở hữu công ty góp hoặc cam kết khi thành lập công ty.
Được quy định theo khoản 34, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020.
2.2.4. Ngành, nghề kinh doanh công ty
Doanh nghiệp được tự do kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Điều này có nghĩa là, khi thành lập doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải loại trừ những ngành, nghề mà pháp luật không cho phép kinh doanh.
Ngoài ra, cần chú ý đến những ngành, nghề hạn chế đầu tư, kinh doanh và những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Xem thêm: Thành lập công ty tại Hà Nội
2.3. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh
Theo Điều 19, 20, 21, 22 Luật Doanh nghiệp 2020, tùy theo loại hình doanh nghiệp mà hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ khác nhau. Cụ thể được quy định như sau:
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của chủ doanh nghiệp tư nhân.
Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Quy định điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên;
- Bản sao giấy tờ của từng thành viên;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên;
- Bản sao của các giấy tờ khác như sau:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp thành viên là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật;
- Văn bản pháp luật của tổ chức trong trường hợp thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên tổ chức.
- Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì phải nộp bản sao các văn bản pháp luật đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
2.4. Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh
Sau khi hoàn tất hồ sơ đăng ký kinh doanh, tổ chức/ công ty/ doanh nghiệp cần nộp hồ sơ đến: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của công ty.
2.5. Nộp lệ phí đăng ký kinh doanh
Theo khoản 37 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, phí, lệ phí đăng ký kinh doanh có thể nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
Căn cứ Thông tư 47/2019/TT-BTC, các khoản phí, lệ phí mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi làm thủ tục thành lập công ty bao gồm:
- Phí đăng ký kinh doanh 50.000 đồng/ lần;
- Phí công bố thông tin 100.000 đồng/ lần.
2.6. Nhận Giấy chứng nhận đăng ký thành lập công ty/ doanh nghiệp
Theo khoản 5 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp khi có đủ các điều kiện sau:
- Ngành, nghề kinh doanh không bị cấm;
- Tên doanh nghiệp được đặt theo quy định;
- Hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ;
- Nộp đầy đủ các khoản phí, lệ phí theo quy định.