Hồ sơ thành lập công ty TNHH 2 thành viên
Mục lục
Hồ sơ thành lập công ty TNHH 2 thành viên như thế nào là thắc mắc của nhiều người. Bởi vì Công ty TNHH 2 thành viên có rất nhiều ưu điểm, phù hợp với nhiều quy mô doanh nghiệp. Số lượng thành viên không quá nhiều nên cơ cấu tổ chức đơn giản, việc điều hành công ty thuận lợi hơn, trách nhiệm tài sản tách bạch.
1. Công ty TNHH 2 thành viên là gì?
Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp thì công ty TNHH 2 thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó:
- Thành viên của công ty có thể là tổ chức, cá nhân, số lượng thành viên tối thiểu là hai và tối đa không vượt quá năm mươi (50) người;
- Thành viên doanh nghiệp chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn (trong phạm vi số vốn đã cam kết góp) về các khoản nợ của doanh nghiệp. Nếu chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì chỉ chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết trong thời gian trước ngày công ty thực hiện việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của các thành viên. Sau ngày doanh nghiệp thực hiện đăng ký thay đổi số vốn điều lệ và phần vốn góp của các thành viên thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm tương ứng với số vốn đã góp.
Đặc điểm của công ty TNHH 2 thành viên:
– Số lượng thành viên: Thành viên trong cơ cấu công ty TNHH 2 thành viên trở lên có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Số lượng thành viên tối thiểu là 02 và tối đa là 50 thành viên.
– Cơ cấu tổ chức: Mô hình tổ chức quản lý trong công ty sẽ được phân bổ và quản lý theo quy định tại Điều 55 Luật doanh nghiệp 2014. Theo đó Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty.
– Về cấu trúc vốn: Vốn điều lệ của công ty TNHH 2 thành viên trở lên là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty. Những thành viên trong công ty có nghĩa vụ góp đủ số vốn như đã cam kết theo đúng thời hạn. Trường hợp chưa góp hoặc góp chưa đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn thực góp.
– Trách nhiệm pháp lý: Các thành viên của Công ty TNHH chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn về các nghĩa vụ tài chính của công ty. Đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty thì các thành viên chỉ có nghĩa vụ trong trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty. Công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi tài sản của công ty.
– Cách thức huy động vốn: Công ty TNHH 2 thành viên trở lên được phát hành trái phiếu, không được phát hành cổ phiếu.
– Về chuyển nhượng vốn: Việc chuyển nhượng vốn của thành viên cho người không phải là thành viên công ty bị một số hạn chế nhất định bởi quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng của các thành viên còn lại trong công ty. Quy định này nhằm ngăn chặn sự gia nhập của người bên ngoài vào công ty.
2. Hồ sơ thành lập công ty TNHH 2 thành viên
Thành phần hồ sơ:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
– Điều lệ công ty.
– Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
– Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty;
- Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Số lượng hồ sơ: 1 bộ hồ sơ
Cách thức thực hiện: Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:
- Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh;
- Nộp qua dịch vụ bưu chính;
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ cần phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi bổ sung.
Nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.