Đăng ký kinh doanh sản xuất rượu thủ công
Mục lục
Rượu là loại đồ uống có cồn được rất nhiều người ưa chuộng. Từ xa xa, việc nấu rượu đã là truyền thống kinh doanh của nhiều vùng miền Việt Nam. Thời đại hội nhập kinh tế thế giới khiến thị trường xuất hiện thêm nhiều loại rượu ngoại, tuy nhiên rượu nấu thủ công vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Vậy đăng ký kinh doanh sản xuất rượu thủ công cần phải thực hiện như thế nào để hiệu quả nhất?
Sản xuất rượu thủ công là gì?
Theo định nghĩa tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP: “Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp.”. Ngoài ra, khi đăng ký kinh doanh sản xuất rượu thủ công, bạn cũng nên nắm được một số khái niệm khác như:
- Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men (có hoặc không chưng cất) từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây và hoa quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm. Rượu không bao gồm: Bia các loại; nước trái cây lên men các loại có độ cồn dưới 5% theo thể tích
- Sản xuất rượu công nghiệp là hoạt động sản xuất rượu trên dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp.
- Rượu bán thành phẩm là rượu chưa hoàn thiện dùng làm nguyên liệu để sản xuất rượu thành phẩm.
- Bán rượu tiêu dùng tại chỗ là hoạt động bán rượu trực tiếp cho người mua để tiêu dùng tại địa điểm bán hàng.
Nguyên tắc quản lý rượu được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định 105/2017/NĐ-CP như sau:
“Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.”
Điều kiện hoạt động sản xuất rượu thủ công
Như đã chia sẻ ở trên, hoạt động sản xuất rượu thủ công là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi đăng ký kinh doanh sản xuất rượu thủ công, bạn phải đáp ứng được điều kiện cụ thể tương ứng Điều 9 và Điều 10 Nghị định 105/2017/NĐ-CP. Cụ thể:
“Điều 9. Điều kiện sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh
- Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.”
“Điều 10. Điều kiện sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại
- Có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.
- Trường hợp không bán rượu cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.”
Thành lập cơ sở kinh doanh rượu thủ công
Bạn có thể đăng ký kinh doanh sản xuất rượu thủ công dưới các loại hình như: Hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp. Để thành lập loại hình nào, bạn chuẩn bị hồ sơ pháp lý đầy đủ theo quy định pháp luật và nộp hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương ứng.