Đăng ký điện kinh doanh có lợi ích gì? Thủ tục đăng ký điện kinh doanh
Mục lục
Việc sử dụng điện để kinh doanh, sản xuất ngày càng tăng cao đối với bất kỳ doanh nghiệp. Điện không chỉ cho phép các hoạt động trơn tru mà còn cung cấp cho họ nguồn lực cần thiết để phát triển và mở rộng. Vậy đăng ký điện kinh doanh có lợi ích gì? Thủ tục đăng ký điện kinh doanh ra sao?
1. Điện kinh doanh là gì?
Điện kinh doanh hay còn gọi là kinh doanh điện lực. Đây là hoạt động kinh doanh liên quan đến sản xuất, phân phối, cung cấp điện cho các tổ chức, cá nhân. Điện có thể được sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau như nhiệt điện, thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân.
Các doanh nghiệp điện lực thường cung cấp điện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan và các ngành công nghiệp khác nhau. Do đó, ngành điện đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ để đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn cho cộng đồng.
2. Đăng ký điện kinh doanh có lợi ích gì?
Điện kinh doanh là loại hình điện năng sử dụng cho mục đích kinh doanh, nhằm tạo ra lợi nhuận cho người dùng. Điện kinh doanh thường được sử dụng phục vụ cho cả tổ chức kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Do đặc thù ngành kinh có nhiều lĩnh vực khác nhau nên việc đăng ký điện kinh doanh không bắt buộc phải đăng ký.
Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh thường dùng số điện lớn nên việc đăng ký điện kinh doanh sẽ có giá điện thấp hơn. Việc đăng ký điện kinh doanh sẽ giúp giảm bớt chi phí cho cơ sở kinh doanh của bạn.
Hiện tại, giá điện kinh doanh được áp dụng theo mức điện áp sử dụng kèm theo việc phân chia các cấp như sau:
– Cấp điện áp từ 22kV trở lên:
- Giờ bình thường: 2.125 đồng/kWh;
- Giờ thấp điểm: 1.185 đồng/kWh;
- Giờ cao điểm: 3.699 đồng/kWh.
– Cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22 kV:
- Giờ bình thường: 2.287 đồng/kWh;
- Giờ thấp điểm: 1.347 đồng/kWh;
- Giờ cao điểm: 3.829 đồng/kWh.
– Cấp điện áp dưới 6 kV:
- Giờ bình thường: 2.320 đồng/kWh;
- Giờ thấp điểm: 1.412 đồng/kWh;
- Giờ cao điểm: 3.991 đồng/kWh.
Do đó, đối với những cơ sở kinh doanh sử dụng trên 400 số điện 1 tháng có thể linh hoạt tăng giảm khối lượng điện tùy vào khung giờ cao điểm và thấp điểm sẽ có lợi hơn về giá điện.
3. Thủ tục đăng ký điện kinh doanh chi tiết
Để đăng ký điện kinh doanh, chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị các tài liệu, thủ tục cần thiết sau đây:
– Giấy đăng ký mua điện kinh doanh;
– Danh mục, bảng kê các thiết bị điện, chế độ và điện năng tiêu thụ.
– Một trong các giấy tờ liên quan đến địa điểm mua điện (bản sao có chứng thực hoặc công chứng) sau đây:
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Hợp đồng thuê nhà có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;
- Hợp đồng thuê đất có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Xem thêm: Cách đăng ký điện kinh doanh theo quy định pháp luật
– Một trong các giấy tờ liên quan đến khách hàng mua điện (bản sao có chứng thực hoặc công chứng):
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Giấy phép đầu tư;
- Quyết định thành lập đơn vị.
*Lưu ý:
- Trường hợp không có bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến nơi mua điện hoặc liên quan đến khách hàng thì phải có xác nhận của cơ quan quản lý cấp có thẩm quyền hoặc chính quyền địa phương nơi ghi chép việc mua điện.
- Đối với khách hàng đăng ký sử dụng điện vào mục đích thương mại, dịch vụ có công suất đăng ký tối đa từ 40kW trở lên, trong hồ sơ phải có bảng phụ tải và thông số kỹ thuật của thiết bị điện.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, thủ tục để đăng ký điện kinh doanh, chủ doanh nghiệp nộp hồ sơ đến phòng giao dịch khách hàng của đơn vị điện lực, công ty điện lực nơi thực hiện hoạt động kinh doanh.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ thời điểm khách hàng có đủ điều kiện theo quy định (có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và xuất trình đầy đủ hồ sơ theo quy định đối với khách hàng mua điện không nhằm mục đích sinh hoạt), ngành điện lực phải hoàn thành thủ tục và cung cấp điện cho khách hàng.