Cách thành lập doanh nghiệp theo quy định pháp luật?
Mục lục
Về mặt pháp lý, thành lập doanh nghiệp là một thủ tục hành chính cần thiết do các thành viên sáng lập hoặc người đại diện tiến hành đăng ký tại Cơ quan đăng ký kinh doanh. Điều này nhằm mục đích hợp pháp hóa sự ra đời của doanh nghiệp trên thị trường. Ở Việt nam, việc thành lập doanh nghiệp mà không hoặc chưa đăng ký doanh nghiệp bị coi là hành vi vi pháp luật. Vậy cách thành lập doanh nghiệp sẽ như thế nào?
Điều kiện để thành lập doanh nghiệp
Cách thành lập doanh nghiệp tương đối phức tạp. Thế nên, trước tiên, các chủ thể phải đáp ứng 06 điều kiện dưới đây:
- Về chủ thể thành lập. Tất cả các tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Về ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Pháp luật cho các doanh nghiệp tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh, trừ những những ngành, nghề bị cấm theo Điều 6 Luật Đầu tư 2020. Ngoài ra, đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư, thì yêu cầu phải có giấy phép con.
- Tên của doanh nghiệp. Tên của doanh nghiệp được quy định cụ thể từ Điều 37 đến Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Trụ sở chính của doanh nghiệp. Về trụ sở chính của doanh nghiệp được quy định tại Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
- Hồ sơ đăng ký phải hợp lệ. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ được quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật Doanh nghiệp, có giấy tờ và nội dung kê khai đầy đủ theo quy định pháp luật.
- Nộp đủ lệ phí đăng ký. Người thành lập doanh nghiệp phải nộp đủ lệ phí đăng ký cho Cơ quan đăng ký kinh doanh tại thời điểm nộp hồ sơ. Theo Thông tư số 47/2019/TTT-BTC, lệ phí đăng ký đối với thủ tục này là 50.000 đồng/lần.
Cách thành lập doanh nghiệp
Cách thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp được tiến hành theo trình tự, thủ tục sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Tùy theo từng loại hình doanh nghiệp, người thành lập sẽ chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, trong đó bao gồm những nội dung sau:
- Xác định loại hình doanh nghiệp. Đây là thủ tục đầu tiên khi các cá nhân, tổ chức muốn thành lập doanh nghiệp. Việc xác định loại hình doanh nghiệp sẽ là điều kiện quan trọng để định hướng phát triển công ty trong tương lai, về quy mô, cơ cấu tổ chức,… Theo đó, có 5 loại hình doanh nghiệp bao gồm: Công ty TNHH ( Công ty TNHH một thành viên và Công ty TNHH 2 thành viên), Công ty cổ phần, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh.
- Chọn tên khi thành lập doanh nghiệp. Việc thành lập doanh nghiệp cần phải có 02 thành tố, đó là loại hình và tên riêng của công ty. Tên doanh nghiệp sẽ bị từ chối nếu vi phạm những điều cấm quy định tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp.
- Đăng ký địa chỉ trụ sở chính khi thành lập doanh nghiệp. Việc đăng ký trụ sở chính của doanh nghiệp được quy định tại Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Đăng ký vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp. Pháp luật không yêu cầu minh chứng của doanh nghiệp đối việc việc góp vốn thành lập công ty khi nộp hồ sơ, nhưng quy định về thời hạn góp đủ vốn là trong vòng 90 ngày.
- Quyết định người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc tổng giám đốc là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền sẽ nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh theo các phương thức sau:
- Nộp trực tiếp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Nộp qua đường bưu chính.
- Nộp qua mạng thông tin điện tử
Hồ sơ doanh nghiệp cần chuẩn bị bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Dự thảo điều lệ công ty
- Danh sách cổ đông, thành viên sáng lập
- Giấy tờ chứng thực của thành viên, người đại diện theo pháp luật
- Giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người đại diện theo uỷ quyền và theo pháp luật.
- Văn bản xác nhận vốn pháp định.
- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề và CMND của người có chứng chỉ ngành nghề đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề yêu cầu phải có chứng chỉ ngành nghề.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Nếu hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được cấp giấy Đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo đến người đăng ký bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.
Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo đến người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do. Việc thông báo phải theo hình thức văn bản.