Thủ tục đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh
Mục lục
Trong quá trình hoạt động, chắc hẳn nhiều doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi trong ngành, nghề kinh doanh. Đa phần các công ty này thường nhận thấy khả năng phát triển, quy mô và tiềm lực kinh tế nếu phát triển thêm một số lĩnh vực. Do đó, khi nhu cầu nảy sinh, họ sẽ tiến hành thủ tục đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh. Vậy quy trình cụ thể sẽ như thế nào?
Thủ tục đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh là gì?
Theo quy định tại khoản khoản 2 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có quyền “Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh”. Như vậy, doanh nghiệp hoàn toàn được tự do lựa chọn và chủ động điều chỉnh quy mô về ngành, nghề kinh doanh nhằm phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo đó, thủ tục đăng ký về bổ sung ngành nghề kinh doanh có thể được hiểu là việc doanh nghiệp thực hiện tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, yêu cầu bổ sung các ngành, nghề mà doanh nghiệp muốn phát triển. Tuy nhiên, ngành, nghề đó phải không thuộc trường hợp cấm kinh doanh theo Điều 6 Luật Đầu tư 2020.
Hồ sơ thông báo thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh
Để thực hiện thủ tục nêu trên, việc chuẩn bị hồ sơ là cơ sở quan trọng góp phần hiệu quả hóa quá trình đăng ký. Như vậy, các tài liệu cần có sẽ bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo mẫu phụ lục II – 1 ban hành kèm Thông tư 01/2022/TT – BKHĐT.
- Quyết định và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên nêu rõ nội dung thay đổi trong Điều lệ công ty.
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động kinh doanh theo mục tiêu dự án đầu tư nước ngoài)/
- Giấy ủy quyền (Nếu cá nhân, tổ chức uỷ quyền cho tổ chức khác thực hiện).
Một số lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ bổ sung ngành nghề kinh doanh
Có thể khẳng định, đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh là một trong những thủ tục khá phức tạp. Do vậy, khi chuẩn bị hồ sơ, doanh nghiệp cần lưu ý những điều sau:
- Nội dung kê khai bắt buộc phải chính xác, đặc biệt chú ý đến tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp, nội dung thông báo thay đổi, người đại diện pháp luật,… Đây là những thông tin quan trọng trong quá trình kê khai có thể dẫn đến nhầm lẫn.
- Khi ghi mã ngành kinh tế trong hồ sơ, doanh nghiệp cần ghi mã ngành cấp 4.
- Đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và yêu cầu chứng chỉ hành nghề thì ghi mã ngành, nghề, doanh nghiệp tìm mã tương ứng áp vào mã ngành nghề cấp 4 trong hồ sơ bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh.
Trình tự, thủ tục đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh
Sau khi chuẩn bị các loại tài liệu có trong hồ sơ như đã giới thiệu chi tiết ở phần trên, doanh nghiệp sẽ thực hiện việc đăng ký theo trình tự, thủ tục như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền sẽ nộp hồ sơ tại Cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết. Theo đó, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính sẽ có thẩm quyền này.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ, cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiếp nhận. Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cán bộ tiếp nhận tiến hành thay đổi, bổ sung ngành, nghề đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Nếu chưa đủ giấy tờ, tài liệu, hồ sơ còn nhiều thiếu sót, cán bộ của Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ trả lại và giải thích rõ lý do cần bổ sung tài liệu nào và sửa đổi nội dung gì.
Bước 3: Nhận kết quả
Sau khi tiến hành thay đổi ngành, nghề kinh doanh, cán bộ tiếp nhận hồ sơ của Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ghi giấy biên nhận và hẹn ngày trả kết quả cho doanh nghiệp. Kết quả là Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký doanh nghiệp thông qua dịch vụ bưu chính viễn thông.
Bên cạnh thay đổi nội dung đăng ký trực tiếp, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục này qua mạng. Việc thực hiện này sẽ thông qua Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm tiết kiệm thời gian cũng như chi phí đi lại.
Không thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh sẽ phải chịu mức phạt thế nào?
Theo Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp sẽ phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi nội dung về ngành, nghề kinh doanh. Việc thông báo sẽ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi. Theo đó, nếu doanh nghiệp quá hạn thông báo như luật định sẽ bị xử lý theo Điều 44 Nghị định 122/2021/NĐ – CP, cụ thể như sau:
- Cảnh cáo đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 11 ngày đến 30 ngày.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 90 ngày.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.