Đăng ký kinh doanh hộ gia đình năm 2022 có đóng thuế không?
Mục lục
Hộ gia đình phải nộp những loại thuế nào? Mức thuế cụ thể với từng loại thuế ? Việc kê khai thuế thực hiện ra sao ? Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những vấn đề pháp lý xung quanh việc đăng ký kinh doanh hộ gia đình có đóng thuế hay không.
1. Đăng ký kinh doanh hộ gia đình phải nộp những loại thuế gì?
1.1. Lệ phí môn bài
Căn cứ theo Nghị định số 22/2020/NĐ-CP và Thông tư số 65/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính có quy định hộ gia đình áp dụng mức thu lệ phí môn bài cụ thể như sau:
– Hộ gia đình nộp thuế theo phương pháp khoán sẽ được miễn lệ phí môn bài bao gồm:
+ Có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống;
+ Hoạt động không thường xuyên hoặc không có địa điểm kinh doanh cố định;
+ Hoạt động sản xuất, kinh doanh lần đầu
– Ngoài trường hợp trên, mức thu đối với hộ gia đình thuộc diện phải nộp lệ phí môn bài như sau:
+ Doanh thu từ trên 500 triệu đồng/năm là: 1.000.000 đồng/năm;
+ Doanh thu từ 300 đến 500 triệu đồng/năm là: 500.000 đồng/năm;
+ Doanh thu từ trên 100 đến 300 triệu đồng/năm là: 300.000 đồng/năm.
1.2. Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân
Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của hộ gia đình được tính theo phương pháp khoán theo quy định tại khoản 1 điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC.
Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân hộ gia đình được tính như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT.
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN.
- Nếu hộ gia đình có doanh thu tính thuế từ 100 triệu/năm trở xuống thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
- Trường hợp hộ gia đình nộp thuế khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: hộ gia đình mới ra kinh doanh; hộ gia đình thường xuyên theo thời vụ; hộ gia đình ngừng/nghỉ kinh doanh thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định hộ gia đình không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm (12 tháng);
- Doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh.
2. Hộ gia đình kê khai thuế như thế nào?
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán đối với hộ kinh doanh cá thể được quy định rõ tại điểm c khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:
“Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh”.
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 6 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì thời hạn nộp thuế đối với cá nhân, hộ gia đình theo phương pháp khoán sẽ được xác định như sau:
Căn cứ theo Thông báo nộp thuế, cá nhân nộp thuế khoán sẽ phải nộp tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của quý thì thời hạn chậm nhất là ngày cuối cùng của quý.
Trong trường hợp cá nhân nộp thuế khoán và có đăng ký sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế quản lý cấp thì thời hạn nộp thuế đối với doanh thu trên hóa đơn chậm nhất sẽ là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Hộ gia đình nếu trong quá trình hoạt động kinh doanh có vướng mắc và có ý kiến phản hồi về doanh thu và mức thuế thì liên hệ với cơ quan thuế quản lý để được giải đáp. Ngoài ra có thể liên hệ trực tiếp đến Bộ phận Một cửa của chi cục Thuế hoặc gửi ý kiến đóng góp đến địa chỉ hòm thư điện tử của Chi cục Thuế được niêm yết công khai tại Bộ phận Một cửa. Cơ quan thuế trực tiếp quản lý sẽ có trách nhiệm giải đáp chậm nhất là trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến phản hồi từ hộ gia đình.