Mức xử phạt với người vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết Dương lịch năm 2024
Mục lục
Vào dịp lễ, đặc biệt là ngày nghỉ Tết Dương lịch năm 2024 sắp tới. Những bữa tiệc thường diễn ra, trong đó không thể thiếu rượu, bia. Đây cũng là nguyên nhân xảy ra nhiều vụ tai nạn xuất phát từ nồng độ cồn khiến người điều khiển phương tiện mất kiểm soát. Vậy mức xử phạt với người vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết Dương lịch 2024 là như thế nào?
1. Thực trạng nồng độ cồn trong dịp Tết Dương lịch năm 2024
Ngày Tết đến, trong niềm vui của mọi nhà, bạn bè thường gặp nhau, lấy chén rượu để nâng ly chúc mừng một năm mới. Có thể thấy rằng, chén rượu là cách để bà con quây quần, chia sẻ những niềm vui trong năm cũ và cùng chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng.
Tuy nhiên, việc “vui quá chén” khiến nhiều người không còn kiểm soát được hành động của mình, gây nguy cơ tai nạn giao thông. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông cho những người tham gia giao thông và cả chính mình.
Theo đó, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn giao thông trong dịp Tết Dương lịch năm 2024, Ủy ban Nhân dân và Công an thành phố chỉ đạo lực lượng, Công an phường, xã, thị trấn tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tập trung xử lý nguyên nhân gây tai nạn giao thông từ nồng độ cồn. Nếu gặp những đối tượng đã uống rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Buôn bán quần áo Tết nhập lậu bị phạt như thế nào?
2. Mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn đối với xe máy, xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Theo quy định tại điểm c, khoản 6 và điểm đ, khoản 10 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà:
- Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu;
- Hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng;
- Đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Theo quy định tại điểm c, khoản 7 và điểm e, khoản 10 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà:
- Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu;
- Hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng;
- Đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
Theo quy định tại điểm e, khoản 8 và điểm g, khoản 10 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà:
- Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu;
- Hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng;
- Đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Như vậy, người điều khiển xe máy mà có nồng độ cồn sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đến 8 triệu đồng. Bên cạnh đó, người điều khiển xe máy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe tối thiểu từ 10 tháng và tối đa đến 24 tháng.
3. Mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn với người điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự ô tô
Theo quy định tại điểm c, khoản 6 và điểm e, khoản 11 Điều 5 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà:
- Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu;
- Hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng;
- Đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Theo quy định tại điểm c, khoản 8 và điểm g, khoản 11 Điều 5 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà:
- Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu;
- Hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng;
- Đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
Theo quy định tại điểm a, khoản 10 và điểm h, khoản 11 Điều 5 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà:
- Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu;
- Hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng;
- Đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Như vậy, người điều khiển ô tô mà có nồng độ cồn sẽ bị xử phạt từ 6 triệu đến 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, người điều khiển ô tô sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe tối thiểu từ 10 tháng và tối đa đến 24 tháng.